Rất ít người “thực sự hiểu” Thiên Nga Đen là gì.
Đa phần mọi người chỉ cần thấy một sự kiện hiếm, biến động lớn bất ngờ, đã vội vàng gọi là Thiên nga đen.
Nhưng thực chất không phải như vậy.
Nassim Taleb (tác giả phổ biến khái niệm Black Swan) rất khó chịu với việc sử dụng bừa bãi này.
Theo ông, điều đó làm mất đi tính cảnh báo và “mức độ nghiêm trọng” của vấn đề.
Ông từng mỉa mai giới tài chính và truyền thông vì đã gọi sai hàng loạt sự kiện là Thiên nga đen.
Ông nói:
“Nếu bạn có thể tưởng tượng ra nó, thì nó không phải là một Black Swan.”
Vậy Black Swan thực sự là gì?
Theo Taleb, một Thiên nga đen thực thụ phải thỏa mãn cả ba điều kiện:
- Thứ nhất, nó KHÔNG THỂ TIÊN ĐOÁN từ dữ liệu hay mô hình quá khứ
- Thứ hai, nó gây ra TÁC ĐỘNG LỚN MANG TÍNH HỆ THỐNG, thay đổi hoàn toàn cách ta hiểu và vận hành thế giới
- Thứ ba, nó CHỈ ĐƯỢC HỢP LÝ HÓA SAU KHI ĐÃ XẢY RA, tức nó hoàn toàn vô hình cho đến cuối cùng
Nếu một sự kiện chỉ bất ngờ và có tác động lớn, nhưng đã có cảnh báo hoặc hình dung được từ trước, thì nó không phải Black Swan. Mà là Gray Swan (Thiên nga xám).
Mặc dù cũng nguy hiểm, nhưng Gray Swan chỉ là thứ hiếm chứ KHÔNG VÔ HÌNH hay KHÔNG THỂ TIÊN ĐOÁN.
Black Swan thì VÔ HÌNH và KHÔNG THỂ TIÊN ĐOÁN.
Đây cũng chính là lý do trong cuốn "Giao dịch sự bất định", mình rất hạn chế gọi các sự kiện cực đoan là Thiên nga đen.
Bởi hầu hết những gì chúng ta cho là Black Swan, thực ra chỉ là Gray Swan.
Nó đơn giản là một hệ quả tự nhiên của bất định, phi tuyến, và phân phối đuôi béo.
Khủng hoảng 2008 là một Gray Swan.
Nhiều người đã thấy trước sự đổ vỡ của thị trường nợ dưới chuẩn. Chỉ là số đông không muốn nghe.
COVID-19 cũng là một Gray Swan.
WHO, Bill Gates, và nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo từ rất sớm về nguy cơ đại dịch toàn cầu do virus mới.
Những sự kiện này dù hiếm và có ảnh hưởng lớn nhưng lại không thoả mãn điều kiện đầu tiên là KHÔNG THỂ TIÊN ĐOÁN.
Phần lớn những cú sốc khác bạn thấy trên thị trường cũng chẳng phải là Thiên nga đen. Thậm chí chúng còn không đủ để gọi là Thiên nga xám:
- Một cổ phiếu giảm 80%
- Dầu xuống giá âm
- Coin chia 5 chia 10
- Trump tweet làm thị trường sập
Những thứ này nghe có vẻ điên rồ, nhưng chúng không có tác động làm thay đổi hệ thống và cũng không nằm ngoài dự đoán nếu bạn hiểu thế giới là phi tuyến và phân phối rủi ro có đuôi béo.
Vậy nếu mấy cái trên không phải Black Swan thì cái quái gì mới là Black Swan?
Để mình nhắc lại: Đó phải là những sự kiện:
- Không ai nghĩ tới
- Chưa nằm trong bất kỳ mô hình dự báo nào
- Khi xảy ra, nó thay đổi hoàn toàn hệ thống và chúng ta chỉ nhận ra khi đã xong xuôi
Trong đời thực, có thể chúng ta còn chưa bao giờ đối mặt với một Thiên nga đen thực thụ. Và đó chính là lý do nó nguy hiểm.
Khi nó xuất hiện, không ai kịp ứng phó, chúng ta chỉ nhận ra khi nó làm xong việc. Tuy nhiên, vẫn có một vài ví dụ có thể được coi là Black Swan:
- Sự kiện 11/9: Không ai tưởng tượng máy bay dân sự có thể biến thành vũ khí tấn công biểu tượng của Mỹ.
- Sự sụp đổ của Liên Xô: Gần như toàn bộ giới chuyên gia chính trị đều không đoán được thời điểm và tốc độ tan rã.
- Sự trỗi dậy của Internet: Từ một hệ thống truyền tin quân sự trở thành nền tảng sống toàn cầu
- Bitcoin và Blockchain: Một whitepaper ẩn danh đang thách thức hệ thống tài chính
- AI sinh ngôn ngữ (LLMs): Phát triển vượt kỳ vọng và đang tái định hình hàng loạt ngành nghề, với nguy cơ tiềm ẩn không kiểm soát được
- Một kịch bản biến đổi khí hậu phi tuyến nằm ngoài mô hình, vượt tipping point, dẫn đến diệt vong không thể đảo ngược....
Black Swan thực chất không phải luôn là tai họa ồn ào.
Đôi khi, nó không đến đột ngột, ảnh hưởng của nó không thấy ngay mà có thể xảy ra âm thầm.
Bởi vì nó vô hình nên sẽ lặng lẽ gặm nhấm hệ thống cũ cho đến khi mọi thứ bạn tin là ổn định không còn nữa.
Hãy hiểu đúng về Black Swan để không chết vì ngộ nhận.
Đừng dán nhãn “Thiên nga đen” cho mọi cú sốc khi bạn chưa thực sự hiểu.
Điều đó chỉ khiến bạn chủ quan hơn với bất định thật sự.
Luôn nhớ rằng Thiên Nga Đen là một thứ vô hình, nó là điều bạn không bao giờ thấy trước cho đến khi bị nó tát thẳng vào mặt.
Comments
Post a Comment