Có rất nhiều ý kiến cho rằng giao dịch trên thị trường tài chính là một trò chơi "zero-sum" (tổng bằng 0), giá cả vẫn hành ngẫu nhiên và tiền chỉ đơn giản là chuyển từ người này sang người khác, không thể tồn tại một bộ phận những nhà giao dịch kiếm được lợi nhuận ổn định trong dài hạn. Nếu điều đó đúng, tiền sẽ dần bị rút ra khỏi thị trường khi những người thua cuộc rời bỏ, chỉ còn lại những người chiến thắng đấu với nhau, và cuối cùng chỉ còn lại một người thắng duy nhất, không thể kiếm thêm tiền nữa. Vậy thì thị trường tài chính có tổng bằng 0 hay không? Nguồn lợi nhuận của công việc giao dịch đến từ đâu và có thể kiếm được nó trong dài hạn hay không?
Thực sự thì có rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng và không có sự đồng thuận cũng như phân biệt rõ ràng về vấn đề này, nó tùy thuộc vào góc nhìn và vị thế của mỗi người. Tôi cũng không phải là một chuyên gia kinh tế để có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, tôi sẽ đưa ra quan điểm dựa trên kinh nghiệm và góc nhìn của mình để mọi người tham khảo. Tôi đồng ý rằng giá cả vận hành ngẫu nhiên và lợi nhuận mà các nhà giao dịch kiếm được có nhiều phần là đến từ những người khác. Nhưng tôi cũng cho rằng tổng thể thị trường tài chính không hoàn toàn là một trò chơi có tổng bằng 0 và nguồn lợi nhuận của công việc giao dịch không chỉ đến từ việc những người tham gia thua lỗ mà còn đến từ nguồn khác. Những khoản lợi nhuận đó sẽ luôn tồn tại đồng thời cũng sẽ luôn có một bộ phận những nhà giao dịch có thể kiếm tiền đều đặn. Trong một trò chơi zero-sum, tổng tài sản của tất cả các bên luôn luôn bằng không. Điều này có nghĩa là, nếu một người chiến thắng, thì phải có một người khác thua với cùng mức giá trị. Ví dụ như poker hoặc cá cược, trong đó số tiền thắng và thua bù trừ nhau, không tạo ra sự tăng trưởng tổng giá trị chung. Còn trong giao dịch tài chính, cụ thể là trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giá trị tổng thể của thị trường có thể tăng trưởng.
Trong thị trường chứng khoán, khi một công ty niêm yết có hoạt động kinh doanh tốt, tạo ra lợi nhuận và tăng trưởng ổn định, giá trị của nó sẽ tăng. Cổ phiếu của công ty trở nên có giá trị hơn, từ đó giúp các cổ đông (những người sở hữu cổ phiếu) hưởng lợi. Lợi ích này không đến từ sự thua lỗ của một nhà đầu tư khác, mà đến từ giá trị được tạo ra bởi công ty đó. Một số công ty còn trả cổ tức cho cổ đông từ lợi nhuận thực tế mà công ty kiếm được. Điều này có nghĩa là cổ đông có thể nhận được thu nhập từ việc sở hữu cổ phần mà không nhất thiết phải bán cổ phiếu đó trên thị trường để thu lợi nhuận từ người khác. Kể cả khi một nhà đầu tư bán cổ phiếu để chốt lời, người mua mới này cũng có thể tiếp tục hưởng lợi từ sự tăng trưởng của cổ phiếu đó trong tương lai. Điều này cho thấy rằng cả người mua và người bán đều có thể đạt được lợi ích. Không phải lúc nào lợi nhuận của một nhà đầu tư cũng đi kèm với tổn thất của nhà đầu tư khác. Điều này cho thấy rằng thị trường chứng khoán có khả năng tạo ra của cải cho nhiều người, thay vì chỉ chuyển lợi nhuận từ người này sang người khác như trong một trò chơi tổng bằng 0.
Thị trường trái phiếu cũng hoạt động tương tự như vậy. Trái phiếu là một loại chứng khoán nợ, khi nhà đầu tư mua trái phiếu, họ cho người phát hành (chính phủ, doanh nghiệp) vay một khoản tiền nhất định và sẽ nhận lại khoản tiền này vào ngày đáo hạn kèm với lãi suất đã thỏa thuận. Khi chính phủ hoặc một doanh nghiệp phát hành trái phiếu, họ huy động vốn từ các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư mua trái phiếu sẽ nhận được lợi tức (lãi suất coupon) cố định hoặc thay đổi từ người phát hành cho đến ngày đáo hạn. Điều này cho thấy giá trị mới đang được tạo ra bởi vì nguồn vốn mà người phát hành thu được sẽ được sử dụng cho các mục đích như đầu tư vào dự án mới, mở rộng kinh doanh hoặc tài trợ các hoạt động công. Sau khi trái phiếu được phát hành, nó có thể được mua bán trên thị trường thứ cấp giữa các nhà đầu tư. Giá của trái phiếu trên thị trường thứ cấp có thể biến động phụ thuộc vào lãi suất, tín nhiệm của người phát hành, và điều kiện thị trường tài chính chung. Nhà đầu tư có thể kiếm lời từ việc mua và bán trái phiếu, nhưng lợi nhuận này không phải lúc nào cũng xuất phát từ sự thua lỗ của người khác. Ví dụ, giá trái phiếu có thể sẽ tăng khi lãi suất chung của thị trường giảm, việc một người bán trái phiếu của mình với mức giá cao cao hơn để thu lợi nhuận không có nghĩa là người mua trái phiếu sẽ phải chịu lỗ. Trên thực tế, người mua trái phiếu đã mua vào với mức giá cao hơn vì họ thấy rằng mức lãi suất của trái phiếu (ví dụ 10%) đang hấp dẫn so với mức lãi suất chung của thị trường hiện tại (ví dụ 5%). Người mua này đang kỳ vọng nhận được khoản thu nhập cố định từ trái phiếu cao hơn lãi suất chung cho đến ngày đáo hạn. Như vậy, cả hai bên đều có thể "cùng thắng", người bán kiếm lời từ việc bán trái phiếu, còn người mua thì nhận được khoản lợi tức cao hơn mức hiện tại của thị trường. Người phát hành trái phiếu (doanh nghiệp hoặc chính phủ) sẽ trả lãi suất cố định theo thỏa thuận ban đầu và không chịu tổn thất từ việc giá trái phiếu biến động trên thị trường thứ cấp. Việc mua bán trái phiếu trên thị trường thứ cấp chỉ là sự chuyển nhượng quyền sở hữu và không ảnh hưởng đến dòng tiền mà người phát hành cam kết. Điều đó cho thấy việc giao dịch trên thị trường trái phiếu không hẳn là một trò chơi có tổng bằng 0.
Trên thực tế, tôi rất ít khi giao dịch trên hai thị trường này mà chỉ giao dịch chủ yếu trên thị trường tương lai, phái sinh và forex. Nếu xem xét công việc giao dịch trên các thị trường này một cách riêng lẻ trong phạm vi của riêng chúng thì thực sự đây là những trò chơi có tổng bằng 0, thậm chí nó còn nhỏ hơn 0 trong ngắn hạn. Một khoản lợi nhuận mà một nhà giao dịch tạo ra đều sẽ đến từ một khoản thua lỗ tương ứng của một người khác, đồng thời, các nhà giao dịch còn phải trả phí cho nhà môi giới bằng các khoản chênh lệch giá hoặc hoa hồng, các chi phí này đã làm giảm tổng giá trị của lợi nhuận khiến cho nó có tổng nhỏ hơn 0.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nếu xem xét vai trò và mối quan hệ liên thông của các công cụ phái sinh, forex, futures trong toàn bộ hệ thống tài chính trong quãng thời gian dài hạn, thì nó không còn là trò chơi có tổng bằng 0 nữa. Các giao dịch được diễn ra tại đây đóng góp vai trò hỗ trợ quan trọng đối với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu. Một trong những mục đích chính của phái sinh và futures là quản lý rủi ro (hedging). Ví dụ, các doanh nghiệp thường sử dụng hợp đồng tương lai hoặc quyền chọn để bảo vệ mình khỏi biến động của giá cả hàng hóa hoặc tỷ giá. Một công ty sản xuất sử dụng nhiều nguyên liệu thô có thể mua hợp đồng tương lai để khóa giá nguyên liệu và bảo vệ trước rủi ro giá tăng trong tương lai. Trong trường hợp giá giảm xuống, công ty này sẽ bị mất một khoản tiền trong hợp đồng tương lai của mình nhưng họ lại có thể mua được nguyên liệu thực tế với giá rẻ hơn. Điều đó sẽ giúp công việc kinh doanh của họ được ổn định. Trong kinh doanh, việc duy trì sự ổn định này là rất quan trọng, nếu làm được việc đó, các công ty có thể hoạt động tốt hơn để tạo ra nhiều giá trị thặng dư hơn. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, thường chịu tác động lớn từ sự biến động của tỷ giá hối đoái. Ví dụ, một doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài có thể đối mặt với rủi ro chi phí nguyên liệu tăng cao nếu đồng tiền quốc gia của họ mất giá. Bằng cách sử dụng các công cụ phái sinh như hợp đồng kỳ hạn hoặc quyền chọn, doanh nghiệp có thể khóa tỷ giá tại mức cụ thể và bảo vệ chi phí khỏi những biến động bất lợi của thị trường. Với những doanh nghiệp có nguồn thu hoặc nguồn chi bằng ngoại tệ, biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận thực tế. Chúng ta có thể thấy, việc sử dụng hedging sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định và bảo vệ họ khỏi sự mất mát lợi nhuận, trong các giao dịch này, cả người mua và người bán các hợp đồng tương lai phái sinh đều được hưởng lợi, cả hai đã cùng thắng.
Các công cụ phái sinh, hợp đồng tương lai và forex cũng giúp tăng tính thanh khoản của thị trường tài chính bằng cách cho phép các nhà đầu tư tham gia vào các giao dịch mà không cần phải thực sự mua hoặc bán tài sản cơ sở. Việc tăng tính thanh khoản giúp cho các giao dịch trên thị trường chứng khoán và trái phiếu diễn ra dễ dàng với chi phí thấp hơn. Điều này giúp thị trường chứng khoán và trái phiếu hoạt động hiệu quả, giảm sự bất ổn giá, tăng cường tính ổn định giúp thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư. Ví dụ, nhà đầu tư có thể sử dụng phái sinh để điều chỉnh vị thế của mình mà không cần phải trực tiếp mua bán cổ phiếu cơ sở, từ đó giúp duy trì ổn định giá trên thị trường chứng khoán. Các công cụ này còn giúp các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy để khuếch đại mức độ tham gia thị trường mà không cần vốn lớn. Các nhà đầu tư có thể sử dụng phái sinh để gia tăng mức độ phơi nhiễm (exposure) vào các loại tài sản mà không cần phải mua toàn bộ tài sản đó (phơi nhiễm là mức độ ảnh hưởng của biến động giá tới lợi nhuận hoặc tổn thất của nhà đầu tư).Ví dụ: Một nhà đầu tư muốn gia tăng phơi nhiễm (đầu tư nhiều hơn) vào toàn bộ thị trường chứng khoán Hoa Kỳ thông qua chỉ số S&P 500. Thay vì bỏ ra một số tiền lớn để mua tất cả các cổ phiếu nằm trong chỉ số (một hoạt động rất tốn kém và phức tạp, bao gồm cả chi phí giao dịch và phí quản lý), thì nhà đầu tư có thể sử dụng hợp đồng tương lai của S&P 500. Với một khoản ký quỹ nhỏ, nhà đầu tư có thể kiểm soát một giá trị lớn hơn rất nhiều của chỉ số. Điều này tạo điều kiện cho các dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán làm tăng quy mô của thị trường. Nó cũng giúp các nhà đầu tư tăng hiệu quả sử dụng vốn, vì họ có thể đầu tư nhiều hơn vào thị trường chứng khoán mà không cần mua tất cả các cổ phiếu. Số vốn còn lại có thể được họ sử dụng cho các cơ hội đầu tư khác giúp đa dạng hóa danh mục, từ đó giảm rủi ro và tăng khả năng sinh lợi trong dài hạn.
Như vậy, mặc dù phạm vi riêng lẻ trong từng công cụ phái sinh mang tính chất tổng bằng 0, nhưng sự đóng góp của các công cụ này vào toàn bộ hệ thống tài chính lại vượt qua điều đó, chúng thực sự góp phần mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Các công cụ này đóng góp vào việc tạo ra giá trị mới thông qua việc quản lý rủi ro, tăng thanh khoản, và hỗ trợ đa dạng hóa. Chúng giúp thị trường cổ phiếu và trái phiếu hoạt động hiệu quả hơn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo ra lợi ích cho nhiều bên tham gia. Lợi ích của một người không nhất thiết phải đến từ mất mát của người khác, điều này cho thấy tổng thể của tất cả các giao dịch tài chính không phải là một trò chơi có tổng bằng 0. Nguồn lợi nhuận chúng ta thu được khi giao dịch, cho dù là ở thị trường nào, không hoàn toàn đến từ sự thua lỗ của những người khác, mà còn đến từ các giá trị được tạo ra trong quá trình phát triển của nền kinh tế nhờ chính những giao dịch đó. Nếu trong các trò chơi zero-sum khác, một bộ phận người thắng liên tục rút tiền ra khỏi trò chơi sẽ dẫn đến nguồn tiền cạn kiệt thì trong thị trường tài chính lại khác, những người thắng sẽ tiếp tục tái đầu tư các khoản lợi nhuận của mình. Do chúng có sự liên thông chặt chẽ với nhau, cho nên tổng giá trị của toàn bộ thị trường sẽ luôn luôn tăng lên.
Kể cả khi chúng ta xem xét việc giao dịch trong các thị trường phái sinh, forex, hợp đồng tương lai dưới góc độ của một trò chơi có tổng bằng 0, thì vẫn có thể tồn tại những bộ phận người chơi có thể chiến thắng liên tục. Bởi một phần lợi nhuận mà họ kiếm được trong giao dịch sẽ đến từ những nhà đầu tư mới hoặc thiếu kinh nghiệm. Những người mới này thường thuộc các thành phần khác của nền kinh tế và khi tham gia thị trường, họ thường thực hiện những hành động rất cảm tính, những hành động đó trực tiếp làm họ mất tiền đồng thời tạo ra cơ hội cho những nhà giao dịch kỳ cựu kiếm lợi nhuận. Bộ phận những nhà đầu tư mới này sẽ luôn xuất hiện, vì không phải ai cũng tham gia giao dịch tài chính ngay từ đầu. Luôn có những người từ các lĩnh vực khác muốn tìm hiểu và thử sức với đầu tư, chính họ trở thành nguồn cung lợi nhuận bền vững cho các nhà giao dịch chuyên nghiệp. Vì vậy, chúng ta không cần lo lắng về vấn đề nguồn lợi nhuận của công việc giao dịch biến mất, nó sẽ luôn luôn tồn tại, điều chúng ta cần quan tâm là liệu chúng ta có đứng được vào hàng ngũ của những người chiến thắng hay không mà thôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét