Lợi thế (Edge) và Giá trị Kỳ vọng (Expected Value) trong Giao Dịch Tài Chính

Trong giao dịch tài chính, hai khái niệm quan trọng mà mọi nhà giao dịch thành công đều cần phải hiểu và áp dụng là Lợi thế (Edge) và Giá trị Kỳ vọng (Expected Value). Đây là những yếu tố cốt lõi giúp bạn xác định xem chiến lược của mình có thực sự có khả năng tạo ra lợi nhuận trong dài hạn hay không. Lợi thế (Edge) là yếu tố hoặc chiến lược giúp nhà giao dịch có được lợi thế so với thị trường hoặc các nhà giao dịch khác. Đây có thể là một kỹ thuật phân tích đặc biệt, một mô hình giao dịch độc đáo, hoặc một hệ thống phân tích giúp bạn đưa ra quyết định chính xác hơn. Mỗi nhà giao dịch thành công đều cố gắng xây dựng cho mình một lợi thế để tăng cơ hội chiến thắng. Giá trị Kỳ vọng (Expected Value - EV) là một yếu tố giúp đo lường xem chiến lược giao dịch của bạn có khả năng tạo ra lợi nhuận trong dài hạn hay không. EV là lợi nhuận trung bình mà bạn có thể kỳ vọng kiếm được từ một giao dịch, dựa trên xác suất của các kết quả có thể xảy ra.

Khi giá cả vận động ngẫu nhiên, một nhà giao dịch chưa biết gì hoàn toàn có thể thực hiện được những giao dịch có lợi nhuận chỉ bằng vận may. Về mặt lý thuyết, nếu người đó giao dịch đủ lâu, họ sẽ hòa vốn mãi. Nhưng thực tế lại khác, tài khoản giao dịch của họ sẽ phải chịu sự tác động của chi phí giao dịch, lỗi và các rủi ro khác, những điều này tạo ra một rào cản lớn khiến họ không thể hòa vốn. Hơn nữa, hầu hết những người mới sẽ hành động ngược lại với những gì cần làm khi giao dịch, họ luôn chốt lợi nhuận quá sớm và để khoản lỗ phát triển rất lâu, những người này chính là nguồn lợi nhuận cho những nhà giao dịch khác trong thị trường.

Mục tiêu giao dịch của chúng ta là tạo ra lợi nhuận và có một được tăng trưởng vốn như hình dưới:

Do biến động giá cả là ngẫu nhiên, chúng ta không thể đúng 100% khi giao dịch, cho nên kết quả của mỗi lệnh chúng ta nhận được cũng là ngẫu nhiên. Nếu chúng ta muốn tạo ra một đường tăng trưởng vốn hướng lên trên, chúng ta cần có một kỳ vọng dương. Trong giao dịch tài chính, công thức tính giá trị kỳ vọng của giao dịch được biểu diễn như sau:

Nếu chúng ta muốn kiếm lợi nhuận trong dài hạn, giá trị EV của chúng ta phải lớn hơn 0, chúng ta cũng muốn nó càng cao càng tốt, khi đó chúng ta sẽ được gọi là một nhà giao dịch có lợi thế. Với các dữ liệu giao dịch trong quá khứ, việc tính toán giá trị này chỉ đơn giản là thống kê, nhưng vấn đề sẽ phức tạp hơn nếu chúng ta tính toán trên cơ sở tương lai. Một số nhà giao dịch yêu thích các giao dịch có xác suất thắng cao, trong khi một số khác sẽ tập trung tìm kiếm các giao dịch có tỉ lệ lợi nhuận/thua lỗ (R:R) cao với tỉ lệ thắng thấp. Hãy xem xét vài ví dụ:

Ví dụ 1, nhà giao dịch có một chiến lược tạo ra 50% lãi 10 USD và 50% mất 10 USD, áp dụng công thức, chúng ta sẽ có kết quả: EV= 0.5 x 10 + 0.5 x (-10) = 0. Nhà giao dịch không có lợi thế.

Ví dụ 2, nhà giao dịch có chiến lược tạo ra 30% khả năng lãi 30 USD và 70% mất 10 USD, áp dụng công thức, chúng ta có kết quả: EV= 0.3 x 30 + 0.7 x (-10) = 2. Nhà giao dịch có lợi thế và trung bình đang kiếm được 2 USD trên mỗi giao dịch.

Ví dụ 3, nhà giao dịch có chiến lược tạo ra 90% khả năng lãi 10 USD VÀ 10% mất 100 USD, áp dụng công thức, chúng ta có kết quả: EV= 0.9 x 10 + 0.1 x (-100) = -1. Nhà giao dịch không có lợi thế và trung bình đang mất 1 USD trên mỗi giao dịch.

Bạn có thể áp dụng công thức này để tính giá trị kỳ vọng của một số trò cờ bạc như lô, đề, hoặc một số trò chơi trong sòng bạc, tất cả chúng đều có kỳ vọng âm và chúng ta sẽ mất tiền nếu chơi những trò chơi đó trong dài hạn. Đây cũng là điểm khác nhau cơ bản giữa giao dịch và cờ bạc, trong giao dịch, chúng ta có thể tìm cách để thay đổi được tỉ lệ thắng hay R:R, nhưng trong cờ bạc thì không.

Hình trên cho chúng ta thấy mối quan hệ giữa tỉ lệ R:R và tỉ lệ chiến thắng, khi chúng ta cố gắng tăng tỉ lệ chiến thắng, tỉ lệ R:R của chúng ta sẽ giảm, còn nếu chúng ta muốn tăng tỉ lệ R:R, thì tỉ lệ thắng của chúng ta sẽ giảm. Đường cong màu đen thể hiện những hệ thống có kỳ vọng bằng 0, chúng là những hệ thống mà khi chúng ta giao dịch, chúng ta sẽ hòa vốn mãi. Những hệ thống giao dịch có hai chỉ số nằm phía bên trên đường màu đen là những hệ thống có lợi thế, những hệ thống nằm phía dưới đường màu đen là những hệ thống thua lỗ. Theo như những số liệu mà tôi đã quan sát, không tồn tại một chiến lược giao dịch mà vừa có tỉ lệ chiến thắng rất cao và tỉ lệ R:R cũng cao. Chúng ta chỉ cần có hai chỉ số đó nằm phía bên trên đường cong màu đen đậm một chút là có thể kiếm được lợi nhuận trong dài hạn rồi.

Để minh họa rõ hơn cho điều này, mời bạn hãy xem hình dưới, đây là một biểu đồ thống kê lợi nhuận của một chiến lược giao dịch, chiến lược này có tỉ lệ chiến thắng là: 33,81% và tỉ lệ R:R là: 2,257. Nó chỉ nằm phía bên trên đường cong màu đen một chút, tuy nhiên, nó đã có thể tạo ra tổng lợi nhuận 3327,75% trong vòng 17 năm, tương đương với mức CARG = 60% (CAGR là viết tắt của cụm từ Tiếng Anh "Compound Annual Growth Rate", có nghĩa là tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm. Đây là thước đo tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của khoản đầu tư theo thời gian, có tính đến ảnh hưởng của lãi kép).

Bạn không cần cố gắng tìm những con số cao hơn quá nhiều đường cong đó, chẳng hạn như tỉ lệ thắng 50% với tỉ lệ R:R là 2, hay tỉ lệ thắng 70% với tỉ lệ R:R là 1. Trong hầu hết các trường hợp, bạn chỉ cần tỉ lệ thắng 50% với tỉ lệ R:R là 1,2, hoặc tỉ lệ thắng 52% với tỉ lệ R:R là 1 thôi. Chỉ với những con số đó, bạn đã có thể tạo ra một mức tăng trưởng đủ để đánh bại mức tăng chung của thị trường. Bất kỳ một mức CARG nào lớn hơn 20% một năm, cũng có thể giúp cho chúng ta bước chân vào ngôi đền của những huyền thoại.

Đừng đặt kỳ vọng quá cao và phi lý, nếu bạn nghe thấy bất kỳ ai quảng cáo về những con số khủng khiếp vượt quá xa đường cong, hãy đặt câu hỏi và cảnh giác, đó thường là lừa đảo, một sự tính toán sai lầm hoặc họ đang sử dụng quá ít dữ liệu thống kê. Thị trường trong ngắn hạn có thể tạo ra các giá trị kỳ vọng cao bất thường, nhưng nếu xét trên dài hạn, các giá trị kỳ vọng sẽ hội tụ sát lại đường cong.

Theo lý thuyết toán học thuần túy, giá trị kỳ vọng sẽ cho biết số tiền trung bình chúng ta có thể thắng hoặc thua trong mỗi giao dịch, nó chỉ có ý nghĩa khi số mẫu đủ lớn. Trong quá trình chúng ta tiến hành giao dịch, chúng ta hoàn toàn có thể gặp khả năng thắng hoặc thua nhiều lần liên tiếp, những trường hợp như vậy có thể đem lại cho chúng ta một khoản lãi và lỗ đáng kể tại thời điểm ngắn hạn nào đó, dữ liệu ngẫu nhiên có thể tạo ra nhiều chuỗi liên hoàn hơn tưởng tượng rất nhiều, điều này cũng khiến cho các chiến lược gấp thếp, martingale thường xuyên thất bại. Với một lượng mẫu đủ lớn, giá trị thực tế sẽ tiến sát gần bằng giá trị kỳ vọng.

Điểm mấu chốt trong giao dịch là bạn phải có lợi thế, điều đó thể hiện bằng việc kỳ vọng của bạn là một số dương, nếu bạn không thống kê và định lượng được lợi thế của mình, mọi thứ khác đều vô nghĩa. Các nhà giao dịch thiếu kinh nghiệm thường cho rằng các yếu tố tâm lý là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kết quả giao dịch. Có cả một ngành công nghiệp phục vụ cho điều này, thắp lên hy vọng cho những nhà giao dịch tin rằng, chỉ cần giải quyết các vấn đề tâm lý của mình, tiền sẽ chảy vào túi. Thực hiện lệnh, quản lý rủi ro, kỷ luật và tâm lý tốt là những yếu tố quan trọng để  giao dịch thành công, nhưng tất cả đều vô nghĩa nếu hệ thống giao dịch không có kỳ vọng dương. Những yếu tố kể trên sẽ chỉ phát huy tác dụng khi chúng ta nắm được lợi thế thống kê, nhưng bản thân những thứ này thì không phải là lợi thế.

Nếu bạn xác định đúng các điểm vào và thoát lệnh trên thị trường, với một kích thước mẫu đủ lớn, tổng kết quả từ các giao dịch chiến thắng của bạn lớn hơn tổng số lỗ từ các giao dịch thất bại thì bạn đã có lợi thế. Một chỉ số khác dùng để kiểm tra lợi thế của bạn mạnh hay yếu đó là Yếu tố lợi nhuận (Profit factor), giá trị này được tính bằng công thức: Tổng lãi của tất cả cách lệnh/ Tổng lỗ của tất cả các lệnh. Một chiến lược có lợi thế sẽ có profit factor lớn hơn 1, một chiến lược không có lợi thế sẽ có profit factor nhỏ hơn 1, profit factor càng cao, lợi thế của bạn càng mạnh.

Thông thường, khi xây dựng hệ thống, tôi thường tìm kiếm những chiến lược có profit factor từ 1,1 trở lên sau khi đã trừ hết đi chi phí. Trung bình profit factor của các chiến lược sẽ dao động từ 1,1 cho đến 2. Hãy cảnh giác với bất kỳ chiến lược giao dịch nào có profit factor quá cao (>2), giống như hệ số kỳ vọng, điều này thường là lừa đảo, có sai lầm trong tính toán hoặc sử dụng số mẫu và thời gian quá nhỏ.


Nhận xét

Đăng nhận xét