Gödel đã sử dụng một phương pháp kết hợp giữa logic, lý thuyết số và tư duy tự tham chiếu, được gọi là "mã hóa Gödel", để chứng minh được các định lý của mình rằng:
- Không có hệ thống logic nào hoàn chỉnh: Trong bất kỳ hệ thống logic nào đủ mạnh để mô tả các phép toán cơ bản, luôn tồn tại những mệnh đề đúng nhưng không thể được chứng minh trong hệ thống đó.
- Không thể chứng minh tính nhất quán của hệ thống: Một hệ thống logic không thể tự chứng minh rằng nó không có mâu thuẫn; muốn chứng minh điều đó, cần một hệ thống khác lớn hơn .
Định lý bất toàn cho thấy rằng chân lý không thể bị "giam cầm" hoàn toàn trong bất kỳ một hệ thống logic hoặc lý luận nào. Dù chúng ta cố gắng xây dựng các hệ thống hoàn chỉnh để hiểu vũ trụ hay tri thức, luôn có những điều vượt ngoài khả năng chứng minh hoặc giải thích của chúng ta.
Hãy tưởng tượng một câu hỏi rất cổ điển trong triết học: "Nếu Chúa là toàn năng, liệu Ngài có thể tạo ra một hòn đá mà chính Ngài không thể nhấc được?"
Nếu câu trả lời là "có", thì Chúa không còn toàn năng, vì Ngài không thể nhấc được hòn đá.
Nếu câu trả lời là "không", thì Chúa cũng không toàn năng, vì Ngài không thể tạo ra hòn đá đó.
Dù trả lời thế nào, hệ thống logic trong câu hỏi này cũng dẫn đến mâu thuẫn. Điều này tương tự như định lý bất toàn: Có những câu hỏi đúng, nhưng không thể trả lời một cách dứt khoát bên trong một hệ thống logic.
Hoặc một ví dụ khác: "Câu này không thể được chứng minh là đúng.
Nếu câu này đúng, thì nó không thể được chứng minh là đúng – dẫn đến mâu thuẫn.
Nếu câu này sai, thì nó có thể được chứng minh – nhưng điều đó cũng dẫn đến mâu thuẫn.
Đây là một dạng tự tham chiếu, giống như cách Gödel đã sử dụng để xây dựng định lý bất toàn. Nó chỉ ra rằng trong bất kỳ hệ thống lý luận nào, luôn tồn tại những mệnh đề không thể được giải quyết.
Trước Gödel, các nhà toán học như David Hilbert hy vọng rằng toán học và logic có thể xây dựng trên một nền tảng nhất quán và hoàn chỉnh. Định lý bất toàn đã phá vỡ hoàn toàn hy vọng này, tương tự như cái cách mà thuyết tương đối của Einstein phá vỡ niềm tin Newton về thời gian và không gian tuyệt đối.
Gödel đã chỉ ra rằng chân lý không bị ràng buộc bởi bất kỳ hệ thống lý luận nào. Nó đã mở ra một hướng nhìn mới trong tri thức luận, giúp chúng ta hiểu được: " Cho dù tri thức của con người có tiến bộ đến đâu, vẫn luôn tồn tại những chân lý vượt ra khỏi khả năng nắm bắt và chúng ta luôn phải đối mặt với những điều chưa biết."
Nếu nguyên lý bất định của Heisenberg cho thấy rằng bạn không thể đo lường đồng thời vị trí và động lượng của một hạt với độ chính xác tuyệt đối, thì định lý bất toàn của Gödel nói rằng chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu triệt để toàn bộ mọi tri thức.
Trong bối cảnh trading, định lý bất toàn nhấn mạnh một thực tế mà nhiều nhà giao dịch thường bỏ qua: "Không có hệ thống, phương pháp hay mô hình giao dịch nào hoàn hảo."
Thị trường tài chính là một hệ thống phức tạp chịu ảnh hưởng bởi vô số yếu tố: từ tâm lý nhà đầu tư cho đến các chính sách kinh tế, từ tin tức vĩ mô cho đến các biến động xã hội. Điều này làm cho thị trường:
- Không thể dự đoán hoàn toàn: Giống như định lý bất toàn chỉ ra rằng không có hệ thống logic nào có thể bao quát mọi chân lý, chúng ta cũng không thể xây dựng một chiến lược giao dịch dự đoán chính xác mọi điều kiện thị trường.
- Luôn tồn tại rủi ro: Một số sự kiện, như khủng hoảng tài chính hay sự tăng giá điền cuồng của Bitcoin, không thể giải thích hay lường trước bằng bất kỳ mô hình nào.
Do đó, thay vì tìm kiếm một chiến lược hoặc một phương pháp hoàn hảo, nhà giao dịch nên cho rằng không có điều gì hoàn toàn đúng cũng không có gì hoàn toàn sai, mọi lý thuyết hay dự đoán chỉ mang tính tương đối. Nhà giao dịch nên tập trung vào quản lý rủi ro đồng thời chấp nhận sự không chắc chắn như một phần tự nhiên của thị trường.
Các hệ thống giao dịch thường được thiết kế dựa trên các quy tắc cố định, chẳng hạn như sử dụng chỉ báo kỹ thuật, phân tích chỉ số kinh tế hoặc phân tích mô hình giá. Tuy nhiên: Một hệ thống kỹ thuật hiệu quả trong thị trường xu hướng sẽ thất bại trong thị trường đi ngang và ngược lại, một phương pháp phân tích về các chỉ số kinh tế cơ bản không thể hoạt động trong một môi trường đầu tư dựa trên tâm lý và cảm xúc con người. Backtesting dựa trên dữ liệu quá khứ không thể đảm bảo hiệu suất giao dịch trong tương lai.
Định lý bất toàn còn dạy rằng không có hệ thống nào hoàn toàn khép kín, điều này cũng đúng trong trading: Không phải mọi giao dịch đều thắng, có những thời điểm chuyển động của thị trường trở nên rất hỗn loạn và không thể nắm bắt, nhưng nếu quản lý rủi ro tốt (sử dụng stop-loss, điều chỉnh khối lượng giao dịch), bạn vẫn có thể duy trì lợi nhuận dài hạn. Thay vì cố gắng loại bỏ sự không chắc chắn, hãy tập trung vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực của nó. Quản lý vốn là yếu tố quan trọng hơn nhiều so với việc cố gắng dự đoán thị trường.
Thị trường tài chính cũng giống như tri thức, luôn luôn tiến hóa. Một hệ thống giao dịch hiệu quả hôm nay có thể lỗi thời vào ngày mai. Cho nên, nhà giao dịch cần luôn mở rộng tri thức, theo dõi xu hướng mới, và linh hoạt trong cách tiếp cận.
Định lý bất toàn của Gödel thực sự không chỉ làm thay đổi logic học và tri thức luận, mà còn đặt nền tảng tư duy cho mọi lĩnh vực liên quan đến dự đoán, phân tích như giao dịch đầu tư. Chúng ta hãy xem định lý bất toàn như một lời nhắc nhở trong trading (và cả trong cuộc sống) rằng: Sự bất toàn không phải là thất bại, mà là cơ hội để chúng ta học hỏi và tiến bộ. Giới hạn không phải là rào cản, mà là động lực để khám phá những điều mới.
Cảm ơn anh nhiều.
Trả lờiXóaSau 2 năm giao dịch, ngẫm những gì bạn Tiến viết thấy thật thấm. Chúng ta không thể kiểm soát được thị trường , nhưng luôn có thể kiểm soát được hành động của mình. Quản lý vốn là chén thánh trong trading.
Trả lờiXóa